Địa phương hoá - một xu hướng của phát thanh hiện đại
1. Xu hướng địa phương hóa của phát thanh trên thế giới
Ở Australia, tính đến năm 2003, hệ thống phát thanh địa phương đã phát triển đa dạng với 337 đài trong khi đài truyền hình chỉ chiếm con số rất ít. Đến năm 2007, riêng đài ABC sở hữu hơn 50 đài phát thanh địa phương(1). Tại Anh, đất nước có 44 triệu người dân nghe phát thanh hàng tuần, chiếm 91% dân số, chỉ tính riêng tập đoàn BBC đến nay đã có 41 đài phát thanh địa phương(2).
Hệ thống phát thanh địa phương của nước Đức bao gồm 16 đài ở 16 bang. Điều đặc biệt là Đức không có đài phát thanh quốc gia. Phát thanh địa phương của Đức sống dựa trên sự đóng góp của người dân. Hơn 90% số hộ gia đình tại Đức trả tiền để nghe phát thanh theo tháng với mức phí là 20 Euro/tháng. Ông Warner Martin, phóng viên đài phát thanh địa phương Bayerischer Rundfunk của Đức cho biết: Chiến lược phát triển phát thanh ở nước Đức trong tương lai vẫn là phát triển phát thanh địa phương.
Phát thanh địa phương đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng hơn trong đời sống xã hội với những vai trò, chức năng riêng:
- Phục vụ nhu cầu thông tin về địa phương cho người dân. Khi lý giải vì sao phát thanh địa phương ở Anh phát triển, ông Andy Griffee, nhà điều hành hệ thống đài BBC các khu vực thuộc Anh nói: “Đa số người dân ở Anh sống hầu hết cuộc đời họ trong phạm vi 14 dặm, khoảng cách trung bình tới “nhà mẹ” chỉ là 12,6 dặm. Và trên cả những thông tin về tình hình thế giới, quốc gia, người dân muốn biết về những gì xảy ra xung quanh họ, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ”. Hai tác giả Paul Chanstler và Peter Steward trong cuốn “Những vấn đề cơ bản của báo phát thanh” phân tích rõ: “càng có tuổi, con người càng có nhu cầu quan tâm tới địa phương, tới khu vực mình đang sống”. Theo ông Phil Rilay, Giám đốc điều hành Đài phát thanh Chrysalis - Anh thì “Báo địa phương tốt đánh gục báo quốc gia hay mỗi ngày”. Như vậy, thông tin địa phương của con người là một nhu cầu thiết yếu và báo địa phương nói chung, báo phát thanh địa phương nói riêng có vai trò quan trọng trong đời sống thông tin.
- Đài phát thanh địa phương là tiếng nói của các địa phương, mang tin tức địa phương đến với thế giới. Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại, tin tức ở một bang, một tỉnh, một vùng miền được thế giới biết đến, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương đó. Ở thế kỷ XXI, thế kỷ phát triển huy hoàng của thông tin đại chúng, thế kỷ mà con người cùng sống trong một ngôi nhà thông tin toàn cầu thì thứ người ta cảm thấy thiếu và cần lại chính là những thông tin địa phương. Thông tin địa phương, đài phát thanh địa phương gắn liền với bản sắc của các địa phương. Toàn cầu hóa không phải là xu hướng mà con người chấp nhận và cam chịu sự nhất thể hóa. Hơn bao giờ hết, họ lại cần khẳng định và duy trì tiếng nói của địa phương, giới thiệu tiếng nói đó ra thế giới. Mỗi một đài phát thanh địa phương là một tiếng nói trong ngôi nhà thông tin toàn cầu.
- Góp phần kết nối các địa phương, phục vụ sự phát triển. Trên tổng thể, sự lắng nghe lẫn nhau giữa các địa phương tạo nên sự kết nối không ngừng và rộng lớn trong mỗi quốc gia và vượt ra biên giới. Ông Ryder, Phó Tổng giám đốc đài BBC nhiệm kỳ 2002 - 2004 đã nhận định: “Phát thanh không chỉ đưa tin các sự kiện và những vấn đề của quốc gia. Nó còn kết nối con người bằng cách giúp đỡ các cộng đồng địa phương chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Phát thanh địa phương ngày càng thịnh hành hơn, Những chương trình phát thanh địa phương ở Anh đã đạt đến mức chưa từng nghe ở thập kỷ trước”. Sự phát triển của phát thanh địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của người dân mà còn trở thành điều kiện để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong từng địa phương và giữa các địa phương.
Trong khi thực hiện những vai trò, chức năng trên, phát thanh địa phương còn chứng tỏ những ưu thế nổi trội:
- Đài phát thanh địa phương họat động trong khu vực hẹp nên có điều kiện để tác động sâu. Khó tìm thấy một bức tranh rõ nét về một địa phương nào hơn là nghe đài phát thanh của địa phương đó. Không chỉ phản ánh tình hình mọi mặt, đài phát thanh địa phương còn góp phần giữ gìn ngôn ngữ, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, thể hiện và duy trì bản sắc địa phương,… Hơn nữa, với phạm vi tác động hẹp, đài phát thanh địa phương có điều kiện để nâng cao tính gần gũi, thiết thực, bổ ích đối với thính giả.
- Chi phí vận hành của đài phát thanh rẻ hơn truyền hình, phát thanh lại nhanh hơn, phổ biến đồng lọat trên diện rộng hơn hẳn báo in là một ưu thế để phát thanh địa phương phát triển.
- Phát thanh địa phương phát huy sự linh họat và cơ động của phát thanh. Điều này giải thích tại sao khi cần phải thành lập các cơ quan tuyên truyền cơ động ở các vùng khác nhau, các lĩnh vực khác nhau, các nhà quản lý thường nghĩ đến phát thanh đầu tiên. Tính tiện lợi của phát thanh mang lại sự tiếp nhận dễ dàng, nhanh chóng. Con người vẫn có thể vừa làm việc, vừa đi lại mà vẫn tiếp nhận được thông tin. Ở nơi riêng tư hay chốn công cộng, thông tin phát thanh vẫn được tiếp nhận hiệu quả. Việc sản xuất không yêu cầu quy trình quá phức tạp, không mất nhiều thời gian, không đòi hỏi cả ê-kíp tạo điều kiện để thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Bởi vậy, việc thành lập các đài phát thanh cho các khu vực, các địa phương có thể đáp ứng tốt yêu cầu thông tin của con người trong các điều kiện cơ sở vật chất khác nhau.
2. Phát thanh địa phương ở Việt Nam hiện nay
Có thể nói, xu hướng phát triển phát thanh địa phương ở Việt Nam đã thể hiện rõ về hình thức nhưng chưa tiến triển nhiều về nội dung.
Về hình thức, chúng ta đang sở hữu một hệ thống phát thanh địa phương phong phú, bao gồm 64 đài phát thanh tỉnh (sáp nhập với truyền hình), hơn 600 đài phát thanh - truyền thanh huyện, thị xã, ngoài ra còn có hơn 10.000 đài truyền thanh cấp phường, xã. (Theo số liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam). “So với nhiều nước trên thế giới, hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, truyền thanh của ta nhiều về số lượng (số lượng đài, số cán bộ, phóng viên, nhân viên) nhưng phát triển thiếu quy hoạch, kế hoạch…” (Trích Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện thông báo kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí).
Nhìn chung, phát thanh địa phương ở nước ta hoạt động yếu ớt, nghèo nàn, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy phát thanh địa phương nước ta chưa thu hút sự quan tâm của thính giả. Có thể thấy nguyên nhân quan trọng nhất là do phát thanh địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Sự phát triển của truyền hình cùng với những thế mạnh ưu việt đã nhanh chóng thu hút sự yêu thích của công chúng, kéo theo sự thay đổi trong quan niệm của không ít nhà quản lý và phóng viên. Chú trọng truyền hình và coi nhẹ phát thanh đang là một căn bệnh của nhiều đài phát thanh - truyền hình ở nước ta, thậm chí, có người cho rằng có truyền hình rồi thì không cần phát thanh nữa. Điều đó kéo theo những hệ quả sau:
- Thông tin phát thanh được thực hiện theo cách kết hợp với truyền hình, mang phần lời của thông tin truyền hình sang phát cho phát thanh. Cách làm này khiến cho thông tin phát thanh không phát huy được những đặc tính của nó như: đơn giản, cụ thể, dễ nghe, dễ nhớ,… do âm thanh của truyền hình có tính chất bổ trợ cho hình ảnh, còn âm thanh của phát thanh giúp qua nghe mà hình dung thấy sự việc, sự kiện. Sự nhanh nhạy và mức độ khai thác âm thanh tổng hợp bị hạn chế.
- Ở nhiều đài, chức danh và công việc cũng được làm kết hợp. Một nhà báo vừa là nhà báo truyền hình vừa là nhà báo phát thanh trong khi đặc điểm của hai loại hình báo chí này có những điểm khác biệt căn bản, đòi hỏi những kỹ năng đặc thù, ở phát thanh, đó là các kỹ năng viết, kỹ năng nói trước micro gắn với tư duy âm thanh,… Điều này gây ra sự miễn cưỡng cho nhiều phóng viên, dẫn đến cách làm thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ở nước ta, chỉ có Đài Tiếng nói Việt Nam, tức đài quốc gia đạt đến trình độ chuyên nghiệp về phát thanh, còn ở các đài địa phương thì phát thanh thiếu tính chuyên nghiệp.
- Sự đầu tư mọi mặt cho phát thanh ít ỏi hơn so với truyền hình ở các đài phát thanh - truyền hình tỉnh. Phát thanh ở nhiều đài đã trở thành một thứ ăn theo truyền hình. Không chỉ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật mà cả đầu tư công sức, chất xám cho phát thanh cũng không thỏa đáng. Ví dụ, ở đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, “phương tiện kỹ thuật đầu tư cho phát thanh trở nên dè dặt hơn và chế độ cho tác phẩm phát thanh cũng rẻ mạt hơn so với truyền hình, ngay cả khi cùng phản ánh về một sự kiện, dù phát thanh có đưa sớm hơn thì chế độ nhuận bút vẫn không hề thay đổi… Tất yếu, người ta làm phát thanh chỉ còn là sự kiêm nhiệm bất đắc dĩ. Tin bài viết cho truyền hình được sử dụng lại cho phát thanh thường giống nhau đến từng dấu chấm, phẩy nhờ công nghệ của máy photocopy.” (Sơn Trường, Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2.2004).
Kết quả là:
- Chất lượng thông tin không cao, không phát huy được các ưu thế của loại hình. Các chương trình phát thanh được ghép nhặt, sao chép từ truyền hình không có sức lan tỏa, kém nhanh nhạy và sinh động. Truyền hình không thể thay thế được phát thanh trong đời sống bởi phát thanh có những vai trò và ưu thế tác động riêng. Không một loại hình báo chí nào mang lại sự nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện trong tiếp nhận như phát thanh bởi lúc rỗi rãi, khi bận rộn, nơi riêng tư, chốn công cộng, con người đều có thể tiếp nhận thông tin từ phát thanh. Ngay cả ở những nước tiên tiến trên thế giới, mặc dù truyền hình và báo mạng điện tử phát triển mạnh mẽ thì cũng không nước nào thiếu được phát thanh.
- Đánh mất thính giả: Khi không được đầu tư công sức thì chương trình khó hay, dẫn đến không thu hút được sự quan tâm của thính giả. Và một hệ quả nữa là khi không thu hút được sự quan tâm của thính giả thì sự đầu tư cho phát thanh lại càng giảm xuống và lại tiếp tục đánh mất thính giả cho đến khi có tình trạng “phát thanh phát cho có”.
- Lãng phí: Việc kết hợp phát thanh và truyền hình tưởng chừng như tiết kiệm (tiết kiệm cả về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính,…), nhưng lối tiết kiệm kiểu hiện nay lại gây ra sự lãng phí bởi hiệu quả thông tin không cao. Nhiều nhà khoa học cho rằng cách họat động nặng về hình thức đang gây ra sự lãng phí ở các đài phát thanh - truyền hình địa phương. Theo chúng tôi, sẽ tiết kiệm hơn nếu một đài phát thanh được quan tâm, đầu tư thỏa đáng, họat động chuyên sâu và mang lại hiệu quả thông tin.
3. Quan điểm phát triển phát thanh địa phương của Đảng, Nhà nước ta và một số giải pháp đề xuất
Đảng và Nhà nước ta ghi nhận tầm quan trọng của hệ thống phát thanh địa phương và dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư cho hệ thống này.
Thông báo Kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí, tháng 12.2004 đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động của hệ thống đài phát thanh - truyền hình địa phương và yêu cầu: “Chính phủ và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí theo chức năng của mình, chỉ đạo rà soát lại quy hoạch báo chí, bao gồm cả hệ thống các đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng cho ra quá nhiều báo, đài, tạp chí, có phương án điều chỉnh hợp lý, theo tinh thần phát triển đi đôi với quản lý tốt báo chí”. Tiếp theo đó, báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện thông báo trên của Ban Chấp hành trung ương - Ban Tư tưởng Văn hóa công bố tháng 1.2007 tiếp tục tổng kết thành công, hạn chế của hệ thống đài phát thanh địa phương nước ta và nêu rõ: “Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng mọi mặt của các báo, đài do các cơ quan Đảng, Nhà nước quản lý: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam,… hệ thống báo Đảng và đài phát thanh, truyền hình địa phương…”.
“Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010” của Thủ tướng chính phủ ghi rõ: “ Đối với Đài phát thanh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được củng cố và phát triển theo mô hình mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một đài phát thanh. Quy hoạch, xác định rõ công suất máy phát, phạm vi tần số phát sóng, nội dung chương trình, kết hợp việc xây dựng chương trình phát thanh địa phương với việc cung cấp chương trình cho đài quốc gia”.
Chuyến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 6.3.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ chủ trương và mong muốn của Nhà nước ta tiếp tục xây dựng hệ thống phát thanh từ trung ương tới địa phương vững mạnh, góp phần đắc lực cho công cuộc đổi mới.
Như vậy, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, hệ thống phát thanh địa phương hiện nay hoạt động có nhiều yếu kém, cần được cải tiến và tạo điều kiện phát triển. Dựa trên quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị giải pháp như sau:
Một là tạo điều kiện để phát thanh địa phương được hoạt động độc lập. Nếu tính trên tiêu chí tiết kiệm, việc tách bộ phận phát thanh, hình thành các đài phát thanh địa phương độc lập là gây tốn kém trước mắt thì cũng phải tính đến việc tách bộ phận phát thanh và truyền hình trong một đài. Chỉ khi hoạt động độc lập, sức ép của việc đáp ứng nhu cầu thính giả, thu hút sự ủng hộ của họ, tạo uy tín cho đài mới là động lực để các đài phát thanh địa phương nỗ lực hoạt động có hiệu quả. Ông Vũ Ngọc Minh, phó tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội nhận xét: Thực tế cho thấy cần phải tách truyền hình và phát thanh. Đài phát thanh Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoạt động độc lập thì doanh thu năm 2006 lên đến hơn 30 tỷ đồng, trong khi Đài Hà Nội thì phát thanh doanh thu rất ít.
Việc hoạt động độc lập cũng tạo điều kiện để chuyên môn hoá cao, tạo điều kiện để chuyên nghiệp hóa hoạt động của các đài phát thanh địa phương.
Hai là: Tăng cường đầu tư, bao gồm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư phát triển đội ngũ nhà báo làm phát thanh địa phương có chuyên môn cao, năng lực tác nghiệp nhạy bén. Sự đầu tư này là cần thiết để xây dựng hệ thống các chương trình và nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Các đài phát thanh địa phương cần tiếp cận và ứng dụng sâu rộng hơn các công nghệ, kỹ thuật làm phát thanh hiện đại như: phát thanh trực tiếp, phát thanh số, phát thanh online, tiến tới phát thanh vệ tinh, cáp,… để mang tiếng nói của địa phương mình đến với cả thế giới. Đội ngũ nhà báo phát thanh địa phương được hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp. Sự hợp tác, giao lưu giữa các đài địa phương với nhau, giữa đài quốc gia và đài địa phương, giữa hệ thống đài phát thanh và các tập đoàn, đài, báo trên thế giới cần được tăng cường để chân trời thông tin ngày càng mở rộng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, con người, cách thức tổ chức họat động sẽ còn tiếp tục thay đổi để thích ứng với nhu cầu thực tiễn.
Ba là nâng cao chất lượng thông tin địa phương. Chú trọng thông tin địa phương là cách thức để khẳng định tiếng nói của một đài phát thanh địa phương. Cần hướng tới việc nâng cao tính địa phương của thông tin. Các đài phát thanh địa phương phải phản ánh được một cách toàn diện sự phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương mình, là diễn đàn của nhân dân địa phương, là một trong những địa chỉ tin cậy bảo tồn và quảng bá cho các nét đẹp truyền thống cũng như ngôn ngữ. Đài phát thanh địa phương họat động đúng theo tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt các chức năng xã hội của một tờ báo - tờ báo nói địa phương, đồng thời tạo ra bản sắc riêng của đài mình. Các chương trình phát thanh địa phương không chỉ nhanh nhạy mà còn phong phú, hấp dẫn, gắn bó với đời sống mỗi địa phương./.
________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 4.2009
(1) http://www.abc.net.au/radio/localradio.
(2) http://en.wikipedia.org/wiki/BBC Local Radio.
ThS Đinh Thị Thu Hằng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bài liên quan
- Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
- Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
- Ứng dụng truyền thông sáng tạo trong quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam
- Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước
- 4 Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
- 5 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- 6 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ như hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất chương trình truyền hình đang trở nên ngày càng được quan tâm. Công nghệ AI tăng khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành báo chí, truyền hình. Các đơn vị sản xuất truyền hình hiện nay đang phải nhanh chóng thích ứng với môi trường số, chuyển từ sản xuất truyền thống sang các quy trình hiện đại và hiệu quả hơn. Công nghệ AI không chỉ mang lại tốc độ và hiệu quả trong sản xuất chương trình truyền hình mà còn mở ra cơ hội sáng tạo và thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ người làm báo chí.
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản là một ngành đặc thù khi tính chính trị, văn hóa tư tưởng, truyền thông đại chúng đan xen với hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Người làm xuất bản vừa phải đáp ứng mục tiêu chính trị, vừa giải quyết các bài toán về kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghệ 4.0 cùng sự thay đổi nhu cầu của thị trường cũng khiến cho ngành xuất bản xuất hiện những xu thế mới mà người dạy và học ngành xuất bản cần nhìn nhận và có những thay đổi thích hợp trong hoạt động đào tạo.
Ứng dụng truyền thông sáng tạo trong quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam
Ứng dụng truyền thông sáng tạo trong quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam
“Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ đã nêu rõ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi. Trong đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các khoa học công nghệ trong công tác số hóa, xây dựng dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa và phát triển các ứng dụng công nghệ số như: tham quan ảo, triển lãm trực tuyến... nhằm nâng cao trải nghiệm, thúc đẩy hoạt động truyền thông, quảng bá. Đồng thời trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, được trình Quốc hội thông qua trong năm 2023 đã bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa. Qua đó, có thể thấy rằng việc ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm truyền thông sáng tạo đang trở thành một công cụ hữu hiệu để quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, góp phần to lớn trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam.
Bình luận